Danh thắng Yên Tử có thể coi là nơi khai sinh đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ XIII. Thuộc khuôn khổ của cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử là nơi ngự trị thiêng liêng của chùa Đồng tại độ cao 1.068m. Từ xa xưa, rừng núi Yên Tử đã được nhiều người biết đến là nơi có cảnh quan ngoạn mục, hùng vĩ, hiểm trở và được liệt vào hàng Danh sơn đất Việt.
Khung cảnh từ trên đỉnh Yên Tử
Không hổ khi được liệt vào Danh sơn đất Việt, chiều cao của núi Yên Tử rơi vào 1.068 m so với mặt nước biển, làm nên một địa thế khá hiểm trở. Từ thế kỷ thứ 10, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã tới tu hành và đắc đạo tại Yên Tử, thế nhưng nơi đây chỉ thực sự được biết đến rộng rãi khi Vua Trần Nhân Tông – người trị vì tối cao đang ở thời thịnh trị (cuối thế kỷ 13) thoái vị đến đây tu hành, nghiên cứu Phật pháp và trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm với Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng. Sau đó, vị Tổ thứ hai và thứ ba tiếp nối kế tục sự nghiệp của ông là Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái.
Từ ấy, Yên Tử được xem là kinh đô tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, ghi vào dấu son chói lọi cho sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc đương thời. Ngày nay, trải qua nhiều thăng trầm biến cố của lịch sử, các di tích còn lại ở Yên Tử đã tìm thấy gồm 11 chùa và hàng trăm am, tháp, bia, tượng, quy tụ của nhiều lối kiến trúc, điêu khắc của các thời đại trước. Đặc biệt, hệ thống cáp treo ở Yên Tử hiện đã đi vào hoạt động, đưa du khách dễ dàng tới chùa Hoa Yên ở độ cao 534m, nơi sở hữu hai cây đại 700 năm tuổi.
Chùa Đồng
Từ đây du khách phải tiếp tục leo núi, tới các ngôi chùa ngự trên đường đi tới chùa Đồng. Tuy hơi vất vả nhưng chắc hẳn đường lên chùa Đồng sẽ khiến du khách có cảm giác bay bổng như đi trong làn mây, trời đất. Khi trời quang mây tạnh, đứng từ đỉnh núi này, du khách có thể thu trọn vào tầm mắt toàn cảnh của một vùng Đông Bắc. Hiện nay, danh thắng Yên Tử còn là một địa điểm du lịch lễ hội nổi danh ở Quảng Ninh cũng như Miền Bắc, cứ vào mùa xuân thường niên, khách gần xa lại nô nức kéo đến Yên Tử để hành hương, đồng thời cũng để vãn cảnh. Lễ hội Yên Tử bắt đầu diễn ra từ ngày 10 tháng giêng âm lịch đến cuối tháng 3 âm lịch.
Chùa Cẩm Thực
Chùa Hoa Yên
Cầu Giải Oan